Câu trả lời không nằm ở việc làm gì để kiếm được số tiền đó mà là nỗ lực tạo nên những giá trị lớn hơn nhiều so với số tiền đó.
Mức thu nhập 500.000 USD (Tương đương với hơn 11 tỷ VNĐ) là một mức thu nhập mơ ước đối với bất kỳ ai, ngay cả khi đó là một nhà phát triển phần mềm – những người thường có mức thu nhập khá cao so với các ngành nghề khác.
Đó có lẽ là lý do cho một câu hỏi khá thú vị trên diễn đàn Quora, “Những nhà phát triển phần mềm cần làm gì để kiếm được 500.000 USD một năm?” – một câu hỏi rất thẳng thắn nhưng cũng rất thú vị. Và nó được đích thân một người trong nghề trả lời cho thắc mắc này. Người trả lời là Amin Ariana, một doanh nhân công nghệ và từng là một nhân viên của Google.
Điều đáng chú ý là câu trả lời của Ariana đã thu hút đến hơn 1 triệu lượt xem, cũng như được upvote hơn 16.000 lần (một hình thức tán thành với câu trả lời) trên Quora. Có lẽ điều hấp dẫn nằm ở chỗ, không chỉ vì nó đề cập đến vấn đề mà mọi người đều quan tâm, mà còn vì câu trả lời thực sự truyền cảm hứng cho mọi người.
VẤN ĐỀ KHÔNG NẰM Ở 500.000 USD
“Tôi là một cựu nhân viên Google. Nhưng câu trả lời này không đại diện cho công ty.”
Tiền đề của câu hỏi này có một điểm nhầm lẫn rằng, không có khoản “thu nhập” nào đảm bảo cố định 500.000 USD cho các kỹ sư. Những khoản thu nhập cao bất thường này thường là sự kết hợp giữa lương và khoản thưởng bằng cổ phiếu giới hạn (RSU).
Để giải thích cho những gì bạn cần làm để đạt được mức thu nhập trên, tôi sẽ đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn tương tự như thế này:
Nếu bạn là một người thợ đang làm việc để cung cấp nước cho một ngôi làng, nghĩa là bạn có giá trị với ngôi làng đó. Lúc này sẽ có hai loại thợ.
Vấn đề không nằm ở 500.000 USD
Người thợ loại 1:
Cầm lấy một hoặc hai cái xô rỗng, đi đến một cái hồ nước ngọt ở gần đó, đổ đầy xô nước và quay lại, làm khoảng 20 người hạnh phúc. Anh sẽ uống một ít nước trên đường đi và khi quay lại, anh sẽ lấy cho mình một ít nước khác để mang về nhà.
Người thợ loại 2:
Loại thợ này không quan tâm đến việc mình xách được bao nhiêu nước. Thay vì cầm lấy một cái xô, anh lấy một cái xẻng và một cái cốc nhỏ, và biến mất một thời gian. Anh đào một con suối từ hồ về làng. Thường thì anh làm mọi người thất vọng vì trở về nhà với một chiếc cốc rỗng. Nhưng những người già trong làng vì một lý do nào đó vẫn tin tưởng vào anh và muốn giữ anh ta lại (đồng thời cũng cho anh ta một khúc xương để anh ta không bị chết đói trong một khoảng thời gian).
.
Một ngày nào đó, anh ta đột nhiên xuất hiện với dòng suối chảy liên tục sau lưng mình. Anh làm người thợ loại một bị loại khỏi việc kinh doanh mang nước. Họ sẽ phải đi làm một công việc khác và “team work” cùng nhau. Loại thợ thứ hai, phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dòng suối, sẽ sở hữu một phần của nó. Bởi vì ngôi làng muốn thâu tóm và tích hợp dòng suối đó, những người thợ loại 2 sẽ đánh đổi quyền sở hữu của con suối đó để có được quyền sở hữu có giá trị tương đương trong ngôi làng, thường là một khoảnh đất hoặc tương tự như vậy.
NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG CHO NGƯỜI KHÁC
Giờ để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện có thật.
Tôi ở Monterey Bay để đón năm mới của năm nay. Tôi đứng đó với vợ tôi, ngắm một chàng trai trẻ bắt đầu đào một cái hố. Vợ tôi đang tận hưởng cảnh đẹp của bãi biển, nơi mọi người cũng đang bận phớt lờ anh chàng kia. Tôi chỉ vào anh ta từ trên đỉnh của trạm quan sát và nói với vợ “Nhìn kia. Trong 30 phút nữa, tất cả mọi người sẽ đào bới cho anh chàng này.”
30 phút sau, anh ta đã đào được một dòng nước nhỏ từ lâu đài cát – hay con hào –của anh ta với đại dương. Nước phải dâng lên từ đại dương mới có thể lấp đầy con hào của anh ta, vì vậy anh ta bận rộn với việc thay đổi độ dốc của dòng nước để che chở cho con hào. 5 phút sau, những đứa trẻ phát hiện ra việc đó bắt đầu đào cùng anh ta. Đến 10 phút sau đó một vài người trưởng thành cũng bắt đầu đào cùng anh ta. Đến 55 phút sau đó, những người nước ngoài rụt rè với camera trên tay cũng bắt đầu đào. Trong 60 phút, một người thợ loại 2 đã truyền cảm hứng cho 15 người thợ loại một để hoàn thành luồng nước.
Dưới đây là hình ảnh sau khi dự án hoàn thành, để tưởng nhớ về lần đặt cược của mình vào sức mạnh của một cá nhân. Chàng trai với cái xô tím là người khởi đầu của dòng nước này, cho dù bạn sẽ không nhận ra nếu chỉ nhìn vào bức hình này.
Chi tiết bị bỏ qua ở đây là không phải mọi mồ hôi công sức đều mang lại giá trị tương đương. Người thợ loại 2 luôn sẵn sàng phá bỏ một số quy tắc, trở thành kẻ bị ruồng bỏ và đói khát một thời gian để tạo ra một dòng tài sản tự động cho ngôi làng. Người thợ thứ nhất kỳ vọng “được trả công” ngay cho giá trị này bằng cách trình diễn “kỹ năng” hay “nhiệm vụ.” Không có cơ sở lý luận nào cho việc đem lại kết quả như mong muốn. Khác biệt cốt yếu ở đây là việc chấp nhận rủi ro mà không có gì đảm bảo.
Có thể thấy hầu hết những nhà tiên phong trong ngôi làng đó (ở đây là Google) đều là các người thợ loại hai, những người đã chấp nhận đói khát trong nhiều năm trước khi thiết lập nên dòng doanh thu hàng tỷ USD. Những người nhận được các khoản RSU lớn bao gồm những người như dưới đây:
1. Tham gia từ những ngày đầu, chịu trách nhiệm cho việc tạo ra một giá trị cốt lõi quan trọng.
2. Vô tình tạo ra giá trị từ một dự án phụ nhưng hóa ra lại có giá trị.
3. Rời khỏi làng để bắt đầu một ngôi làng khác.
4. Bằng cách nào đó có được kiến thức độc quyền về một dòng giá trị.
Không mạo hiểm, không có thành công.
Một số người đã chỉ ra rằng họ đã gặp khó khăn khi muốn biến câu chuyện ngụ ngôn trên vào thực tế của mình. Một số khác đặt câu hỏi về chiến thuật đàm phán cần thiết để nhân viên có thể đảm bảo mức độ cổ phần có thể bù đắp được cho đóng góp của họ với công ty. Một số người khác còn chỉ trích rằng câu chuyện ngụ ngôn không thực sự trả lời câu hỏi thực sự. Phần lớn những lời bình luận này đều đang nhìn theo thế giới quan của người thợ loại một, những người vẫn đang theo đuổi việc “được trả tiền”.
Nhưng tôi có một câu chuyện thật khác dưới đây, có lẽ nó sẽ làm mọi người quyết tâm hơn một chút:
Vào tháng 5 năm 2009, một người thợ loại một nộp đơn vào một vị trí tại Twitter. Anh bị từ chối. Đến tháng 8 năm 2009, anh lại nộp đơn vào một vị trí tại Facebook. Anh lại bị từ chối lần nữa. Anh quyết định làm một chuyến “mạo hiểm” và chọn trở thành người thợ loại hai, đào một dòng suối doanh thu từ nhu cầu liên lạc của vùng Hồ Nhân loại tới Ngôi làng của các doanh nghiệp – bao gồm cả hai công ty đã từ chối để anh trở thành người thợ loại một.
Trên đường đi, khi anh và một người bạn khác đang đào dòng suối đó, nhóm truyền cảm hứng của họ đã tăng lên thành 55 cá nhân, và những người già trong những ngôi làng khác cũng quăng cho họ vài khúc xương. Ban đầu là 250.000 USD, sau đó là 8 triệu USD và cuối cùng là 50 triệu USD từ Sequoia Capital khi thành công của dòng doanh thu trở nên rõ ràng.
Ba giờ trước khi tôi viết những dòng này (câu trả lời này được tác giả viết vào năm 2014), CNN thông báo rằng dòng suối của những người thợ loại hai này đã “được Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD” (đó chính là thương vụ Facebook mua lại WhatsApp vào tháng Hai năm 2014).
Và Brian Acton, sau 5 năm “đào dòng suối doanh thu” cho mảng kinh doanh của Facebook, giờ đây đã trở thành một người sở hữu phần vốn tại Facebook – một nơi anh từng nộp đơn xin việc ở đó và bị từ chối.
Dòng Tweet của Brian Acton khi anh trượt phỏng vấn tại Twitter.
Những dòng tweet có mốc thời gian từ năm 2009 trước khi anh bắt đầu “đào suối”.
Hai tháng sau, anh trượt phỏng vấn tiếp ở Facebook. 5 năm sau, Facebook bỏ ra 19 tỷ USD mua lại startup của anh, ứng dụng chat WhatsApp.
Bạn có nghĩ 55 nhân viên đó sẽ cần phải đàm phán để có được mức lương 500.000 USD một năm tại Facebook không?
Hay bạn có nghĩ Facebook sẽ buộc phải trả các khoản lương lớn hơn và đầu tư vốn cho họ vì sợ họ quyết định rời khỏi ngôi làng ngay khi tờ séc được ký?
Người thợ loại hai không so sánh hay đàm phán về mức lương, bởi vì anh ấy không bán dịch vụ cho ngôi làng (hay doanh nghiệp đó). Anh ấy bán những của cải không được chú ý tới. Về cơ bản, ngôi làng không có lựa chọn nào khác ngoài việc đền bù cho anh ấy phù hợp với giá trị của dòng của cải mà anh ấy mang lại. Của cải trong tay anh ấy có thể được trao đổi để làm cả hai của thỏa thuận trở nên tốt hơn (hãy nhìn vào đà tăng của cổ phiếu Facebook sau thương vụ này).
Câu hỏi không phải là liệu sẽ có một thỏa thuận như vậy hay không. Câu hỏi sẽ là liệu ngôi làng cụ thể này có ngồi ở phía bên kia của chiếc bàn khi thỏa thuận diễn ra hay không. Và khi nước đến với ngôi làng, số lượng số 0 được thêm vào sau biểu tượng $ sẽ không còn quan trọng nữa.
Theo Cafebiz